Mặc dù, quy định hàng hóa có xuất xứ nước ngoài khi lưu thông tại thị trường Việt Nam phải có nhãn phụ tiếng Việt, thế nhưng tại hệ thống Khang Baby dường như đang cố tình làm ngơ đi quy định này. Một số hàng hóa không nhãn phụ tiếng Việt đang bày bán tại hệ thống Khang Baby gây khó khăn cho người tiêu dùng cũng như nhập nhèm về nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm, tiềm ẩn dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu…
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục mở các cuộc kiểm tra, xử lý nhiều vụ vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không tem, nhãn phụ, tuy nhiên tình trạng bày bán tràn lan vẫn ngang nhiên diễn ra tại nhiều cửa hàng của hệ thống Khang Baby.
Giới thiệu trên website https://khangbaby.com/ về cửa hàng bằng những từ ngữ hoa mỹ: Cung cấp sản phẩm bỉm, sữa, đồ dùng mẹ và bé chất lượng từ các thương hiệu hàng đầu, cùng hệ thống 11 cửa hàng trải dài khắp tỉnh Bắc Giang: Khang Baby thị trấn Bố Hạ, Khang Baby Cầu Gồ, Khang Baby Phố Bằng, Khang Baby Nếnh, Khang Baby TP Bắc Giang,…Khang Baby là một thương hiệu được nhiều khách hàng tại Bắc Giang tin tưởng sử dụng, nhưng liệu niềm tin này đã được đặt đúng chỗ?
Trong vai khách hàng, phóng viên (PV) Thương hiệu và Pháp luật tìm đến cửa hàng Khang Baby tại địa chỉ khu 1 thị trấn Nếnh – Việt Yên – Bắc Giang. Tại đây có bày bán rất đa dạng sản phẩm, từ bánh kẹo, sữa tắm, dầu gội đầu, kem dưỡng da đến các thực phẩm chức năng, sữa hộp, tã bỉm…
Bên cạnh những sản phẩm được dán đầy đủ tem nhãn theo quy định, không ít các mặt hàng được bán tại đây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn phụ tiếng Việt khiến khách hàng gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin.
Việc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin: Xuất xứ sản phẩm, thời hạn sản xuất, hạn sử dụng, các thành phần của sản phẩm… Đồng thời điều đó làm gia tăng nguy cơ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào các shop gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là đối với khách hàng là mẹ và bé – những đối tượng đang cần đặt sức khoẻ lên hàng đầu, chỉ một rủi ro trong sản phẩm sử dụng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với những đối tượng này.
Trong vai một người mua hàng, phóng viên thắc mắc về thông tin của sản phẩm sữa tắm không có thông tin tiếng Việt. Người bán hàng trấn an rằng: “Yên tâm, cái này là hàng nhập chính hãng chị ạ”.
Người bán hàng giới thiệu: “ Về thực phẩm chức năng hay thuốc ho, khách quen bên em có nhu cầu thì bên em xách tay về là chính”.
Phóng viên đã đi thêm các cơ sở khác tại Bắc Giang nhưng cũng ghi nhận trường hợp hàng không tem nhãn phụ tiếng Việt, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tương tự ở nhiều sản phẩm và mặt hàng.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP, về tem nhãn thì sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó.
Còn nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu (quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Cùng với đó, việc lợi dụng tâm lý sính hàng ngoại cũng như lòng tin của người tiêu dùng, không ít shop, hệ thống cửa hàng, hệ thống siêu thị sử dụng chiêu bài quen thuộc là trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới vỏ bọc là hàng hóa xách tay, bất chấp luật định, sức khỏe của người tiêu dùng để thu lời, ảnh hưởng và thiệt hại trực tiếp chính là người tiêu dùng!
Phóng viên đã đặt lịch làm việc và cung cấp các thông tin liên quan tới Cục quản lý thị trường Bắc Giang và hệ thống Khang Baby nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía các đơn vị liên quan.
Dư luận đặt ra câu hỏi việc hoạt động của những cơ sở này là như thế nào, có đúng luật pháp hay không? Những sản phẩm mà hàng ngày chuỗi hệ thống Khang Baby đang hàng ngày cung cấp ra thị trường có đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng hay không, có hay không hàng giả, hàng nhái kém chất lượng? Tại sao việc bày bán sản phẩm không tem nhãn phụ tiếng Việt một cách công khai suốt thời gian dài qua lại không gặp bất kỳ sự can thiệp nào của cơ quan chức năng?
Khang Baby kinh doanh dòng hàng dành cho mẹ và bé, những đối tượng đang rất cần chú ý tới sức khoẻ và chất lượng trong tất cả các mặt hàng sản phẩm sử dụng, nếu có bất kỳ rủi ro nào về chất lượng, hậu quả để lại sẽ rất khôn lường. Rất cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm sáng tỏ sự việc trên. Được biết, Khang Baby đã từng có “tiền sử” bị buộc tiêu thụ hàng trăm sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu tại cơ sở Lạng Sơn.
Thực tế tại các cơ sở khác thuộc hệ thống Khang Baby và phản hồi của cơ quan chức năng sẽ được PV tiếp tục thông tin tại các bài viết tiếp theo.
Theo khoản 5, Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ–CP quy định hàng hóa nhập khẩu nếu không có nhãn sẽ bị xử phạt. Mức phạt: từ 30,000,000 đến 60,000,000 đồng. Đồng thời sẽ bị bắt buộc khắc phục hậu quả. Hàng hóa sẽ được đưa khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hoặc, hàng hóa sẽ bị tái xuất. Hoặc, phải khắc phục các vi phạm trước khi hàng hóa được thông quan. Do đó, hàng hóa nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn theo quy định.
Khoản 4 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC quy định:- Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định. – Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua. |
Theo Thương hiệu Pháp luật (link bài gốc)