Hiện nay, tình trạng xây dựng không phép, trái phép diễn ra tại rất nhiều địa phương, trở thành chủ đề “nóng” trong quản lý nhà nước.
Vậy, xây dựng không phép và xây dựng trái phép khác nhau như thế nào? Xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với từng hành vi ra sao?
Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Luật Miền Bắc, trong Luật Xây dựng 2014, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định cụ thể các trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ của tổ chức, cá nhân cần phải xin giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn phép). Tuy nhiên, pháp luật không có quy định cụ thể cũng như giải thích về khái niệm “không phép” và “trái phép”; đây chỉ là cách gọi thông thường của người dân khi xây dựng.
Như vậy, có thể hiểu, xây dựng không phép là hành vi của tổ chức, cá nhân khi khởi công xây dựng mà không có giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Xây dựng trái phép (hoặc sai phép) là hành vi của tổ chức, cá nhân khi xây dựng không đúng với nội dung giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; hoặc xây dựng trên diện tích đất không thuộc diện được phép xây dựng công trình nhà ở kiên cố (đất công ích, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp,…).
Các hành vi nêu trên đều vi phạm pháp luật. Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định rõ chế tài xử phạt đối với từng trường hợp.
Cụ thể, đối với việc xây dựng không phép, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa tại nông thôn; Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân còn bị áp dụng biện khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ nhà ở nếu hành vi vi phạm đã kết thúc (đã xây xong).
Đối với nhà ở xây dựng không phép mà đang thi công xây dựng thì cơ quan QLNN tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn trên, tổ chức, cá nhân vi phạm không được cấp giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ.
Đối với xây dựng trái phép, xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình; từ 30 – 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Cơ quan QLNN tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình. Đồng thời, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; phải tiến hành thi công theo đúng nội dung trong giấy phép xây dựng.
Hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn đang diễn biến phức tạp, là vấn đề nhức nhối trong công tác QLNN, đặc biệt tại các thành phố lớn, gây bức xúc trong dư luận. Đó là hệ quả của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, gia tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người dân tăng mạnh. Trong khi đó, công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa kịp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội chung. Thêm vào đó, không loại trừ nguyên nhân do nhận thức của người dân còn chưa đầy đủ, một số địa phương quản lý còn lỏng lẻo; cán bộ làm công tác kiểm soát trật tự xây dựng chưa sâu sát, hoặc “ngó lơ” cho vi phạm, dẫn tới xây dựng tràn lan, phá vỡ quy hoạch cảnh quan đô thị – ông Cường chia sẻ thêm./.