Phóng sự ảnh của nhóm phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam (MTĐT) về nhiều điểm bất thường tại dự án thi công công trình Cải tạo, nâng cấp đường PCLB kết hợp giao thông thôn Đa Hội, Hợp Thịnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang):
Toàn cảnh công trình cải tạo, nâng cấp đường PCLB kết hợp đường giao thông thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Bên trái là đường đê tả Cầu. (Ảnh chụp ngày 01/10/2023).
Từ nhiều ngày nay, hễ vào giờ tan tầm, người dân và phụ huynh- học sinh phải hứng chịu bụi bặm- ô nhiễm từ công trường này.
Ngoài ra, công trình cải tạo- nâng cấp đường PCLB kết hợp đường giao thông thôn Đa Hội (gọi tắt là dự án đường thôn Đa Hội) còn bộc lộ nhiều sai xót nhất là khâu đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. (Ảnh chụp chiều 02/10)
Đặc biệt là nỗi lo của những người tham gia giao thông từ phía trung tâm xã Hợp Thịnh về phía thôn Đa Hội, khi chân đê đã bị nhà thầu “khoét móng” để lộ tà luy âm dựng đứng mà không hề có một tấm biển cảnh báo.
Ước tính từ mặt đường bê tôn cũ tới mặt đường đang thi công sâu khoảng 1,5m. Cả đoạn đường nối từ đê tả Cầu vào thôn Đa Hội có chiều dài khoảng 7-800m nhưng không hề được nhà thầu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư căng dây cảnh báo khiến nguy cơ tai nạn luôn rình rập với mọi người qua lại, nhất là lúc đêm tối. (Ảnh chụp sáng 02/10)
Vì là độc đạo, nên nhiều gia đình và phụ huynh cũng chỉ biết dặn dò con cái đạp xe cẩn thận và luôn canh cánh nỗi lo mỗi khi đến trường và về nhà (02/10/2023)
Các em nhỏ ở thôn Đa Hội phải tập “làm xiếc” với xe đạp khi qua dự án mỗi ngày ít nhất hai lượt (P/V)
Ảnh trái được chụp ngày 27/9 khi chân đê tả sông Cầu chưa bị “xâm phạm”
Bụi bặm từ những xe tải chở đất vào dự án là điều không tránh khỏi, tuy nhiên quá trình nhiều ngày tác nghiệp tại khu vực công trường, PV MTĐT không hề thấy những xe tưới đường hay những nhân sự phụ trách vệ sinh bùn đất rơi vãi trên mặt đê tả Cầu. (Ảnh do nhân dân cung cấp cuối tháng 9)
Ngoài ra, người dân Hợp Thịnh còn cho biết, cách đây ít ngày, những đoàn xe “4 chân” của nhà thầu chở đất vào dự án đã bất chấp biển cấm tải trọng “12t” trên đê (ảnh trên). Sự việc này sau đó được Đội CSGT-TT CA huyện Hiệp Hòa ra quân xử lý. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn tiếp tục cho nhiều xe chở đất vào dự án cả đêm ảnh hưởng tới giấc ngủ- khiến người dân bức xúc chặn xe đêm 01/10/2023 trên đoạn km12 đê tả Cầu (đây là đê cấp 3)
Nhiều hộ dân thôn Đa Hội- Hợp Thịnh- Hiệp Hòa còn bị “cấm khẩu” khi đường nước sạch vào thôn bị nhà thầu vô ý làm hư hỏng nhiều đoạn.
Trưa 02/10, khi phóng viên hỏi lý do sao không niêm yết công khai biển báo công trình (tên dự án, chủ đầu tư, ngày khởi công…) và biển cảnh báo nguy hiểm, chăng dây cảnh báo toàn dự án đường thôn Đa Hội này thì một chỉ huy công trường nói: “Đây là công trình đang thi công, là đường cấm qua lại nên không cần cắm biển báo”
Trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án là gì? Khi việc đảm bảo an toàn khi thi công phải là “trên hết” mà ở dự án công này lại đang được triển khai thi công như “chỗ không người”?! Ngay cả những công nhân, tài xế đang làm việc ở đây cũng không hề được trang bị bảo hộ, không đảm bảo vệ sinh an toàn lao động (P/V)
Nhiều điểm bất thường ở dự án nâng cấp cải tạo đường liên thôn này còn được người dân hé mở dần, nhất là từ kinh phí làm đường. Bà Ngô Thị T (bên phải) cho PV MTĐT biết, trước khi động thổ con đường này, mỗi nhân khẩu phải đóng 1,3 triệu (một triệu ba trăm ngàn đồng) cho trưởng thôn. Gia đình bà Ngô Thị T phải đóng 3,9 triệu đồng / 3 nhân khẩu- Điều này là quá sức với gia đình. Bắt buộc phải nộp! Bà T cho biết thêm
Thiết nghĩ, huyện nông thôn mới – Hiệp Hòa (Bắc Giang) còn cần rất nhiều kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các con đường liên xã và liên thôn khác. Trong ảnh là đoạn đường từ ngã ba gần UBND xã chạy vào đê tả Cầu- đoạn độc đạo vào thôn Đa Hội đã bị xuống cấp trầm trọng. Vậy tại sao chính quyền Hiệp Hòa lại phải dùng gần 13 tỉ đồng ngân sách nhà nước để nâng cấp một đoạn đường liên thôn dài hơn 1km thành đường PCLB được trải thảm nhựa áp-phan?
Theo Đặng Nam- Minh Tuyết/Môi trường và Đô thị Việt Nam link