Dù được quảng cáo là nguồn nguyên liệu sữa bột nhập khẩu và nhiều dưỡng chất tốt cho trẻ nhưng sản phẩm do Công ty Dinh dưỡng miền Bắc HASOVI sản xuất lại có dấu hiệu “kém chất lượng” khi tỷ lệ thành phần dưỡng chất “chênh lệch” với bản công bố,…gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, quyền lợi người tiêu dùng.
Sữa bột là loại mặt hàng thiết yếu đối với đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng sữa bột giả, kém chất lượng đang trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội. Với việc mua phải các loại sữa bột kém chất lượng này, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 19/12/2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C05) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan, trụ sở tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.
Cơ quan công an đã đồng loạt ra quân kiểm tra nhà máy sản xuất của công ty, thu mẫu của 67 lô hàng để giám định. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 65 lô hàng chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến hành vi sản xuất sữa kém chất lượng, không bảo đảm các thông số đã công bố.
Thực tế cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, sữa bột đã trở thành một loại mặt hàng thiết yếu đối với đông đảo người tiêu dùng. Theo thống kê, trên thị trường sữa ở Việt Nam hiện đang có khoảng 500 loại sữa với nhiều thương hiệu, chủng loại. Sữa bột được sử dụng cho nhiều nhóm đối tượng từ người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh hay các em nhỏ ở các độ tuổi khác nhau.
Mặc dù rất được người tiêu dùng quan tâm và các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nhưng với lợi nhuận “khủng” nên có không ít doanh nghiệp vẫn bất chấp để sản xuất sữa bột kém chất lượng và sử dụng nhiều chiêu trò để bán được hàng.
Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm sữa bột được “sản xuất” bằng phương thức gia công thủ công. Hầu như các loại sữa này có thiết kế gần tương tự như nhau, giống nhau từ thành phần, công dụng đến đối tượng sử dụng. Sự khác biết “ít ỏi” là giá thành sản phẩm có sự chênh lệch khá lớn dựa trên phương thức quảng cáo.
Đơn cử, tại thị trường sữa bột dành cho trẻ em, dòng sữa bột có tên Babynice do Công ty Cổ phần Dinh dưỡng miền Bắc HASOVI sản xuất (trụ sở tại xã Ba Trại huyện Ba Vì TP Hà Nội). Dòng sữa này được quảng cáo dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi với nguyên liệu sữa bột nhập khẩu NewZealand. Đặc biệt có một số thành phần tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh như Canxi, Vitamin A, Chất xơ, DHA, Kẽm,…Cũng chính vì vậy, dòng sữa này được đông đảo các bà mẹ tin dùng và có hệ thống phân phối rộng rãi. Giá bán lẻ giao động khoảng 400 – 500.000 đồng/hộp.
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm định của Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) khi kiểm định ngẫu nhiên mẫu sữa Babynice 900g/hộp, tỷ lệ các thành phần dưỡng chất trên bao bì do Công ty Cổ phần Dinh dưỡng miền Bắc HASOVI công bố lại có sự “chênh lệch”. Ví dụ, với thành phần DHA theo công bố của đơn vị sản xuất trên vỏ hộp là 36.00mg/100g. Còn kết quả kiểm định của Bộ Y tế, thành phần DHA lại chỉ có 15,6mg/100g.
Tìm đến địa chỉ sản xuất của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng miền Bắc HASOVI tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì TP Hà Nội. Nơi đây có chỉ một nhà xưởng thô sơ được lợp bằng mái pro xi-măng, tường cay nằm trong khu dân cư, bên cạnh là một công trình đang xây dựng dở dang bụi bặm. Dẫn đến nguy cơ không đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vô trùng trong quá trình đóng gói, sản xuất sữa bột. Điều đặc biệt, đây chỉ là một xưởng gói thủ công chứ không phải là nhà máy sản xuất với dây chuyền hiện đại đạt chuẩn quốc tế như thông tin đăng tải trên vỏ hộp.
Theo quảng cáo trên Website của HASOVI, doanh nghiệp này hiện đang là đơn vị sản xuất của hàng chục loại sữa khác nhau giành cho nhiều đối tượng từ trẻ đến già như Nutri MK7, Violac, Hakado, Babynice, Jijomilk, Goong Milk,…
Đáng nói, dù được quảng cáo là nguyên liệu sữa bột nhập khẩu NewZealand, tuy nhiên giá thành bán sỉ cho các đại lý lại rẻ “bất ngờ”. Nhưng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2023, giá nhập khẩu bình quân của mặt hàng sữa bột nhập khẩu NewZealand 3.532 USD/tấn, tương đương 84.000 – 87.000 đồng/kg (theo từng thời điểm của tỷ giá).
Căn cứ quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố sẽ bị phạt hành chính. Đồng thời cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với. Ngoài ra, buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, động vật,…
Được biết, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng miền Bắc HASOVI có mã số thuế 0108923074 do Chi cục Thuế huyện Ba Vì quản lý. Doanh nghiệp được cấp phép hoạt động từ năm 2019 với ngành nghề chính là Bán buôn thịt và các sản phẩm từ thịt – Bán buôn thủy sản – Bán buôn rau, quả – Bán buôn cà phê – Bán buôn chè – Bán buôn đường, sữa và các sản phẩm sữa, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, bột, tinh bột – Bán buôn thực phẩm khác – Kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng – Kinh doanh phụ gia thực phẩm…
Theo tìm hiểu, năm 2019, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng miền Bắc HASOVI từng bị liệt vào danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hoá đơn của cơ quan thuế phát hành.
Nguồn: taichinhdoanhnghiep.net.vn (link)